Qua đời Tiền_hoàng_hậu_(Minh_Anh_Tông)

Năm Thành Hóa thứ 4 (1468), 26 tháng 6 (âm lịch), Tiền Thái hậu qua đời, thọ 42 tuổi. Theo di chiếu cũng như quy tắc đích-thứ, Tiền Thái hậu là người duy nhất có thể ["hợp song táng"] cùng Anh Tông vào Dụ lăng.

Nhưng quyền lợi đáng có này của Tiền Thái hậu khiến Chu Thái hậu tức giận, yêu cầu Hiến Tông xây chỗ khác mà an táng Tiền Thái hậu, chỉ một mình Chu Thái hậu tương lai có thể hợp táng với Anh Tông. Hiến Tông răm rắp nghe theo mẹ đẻ, tìm đủ loại lý do để không theo di chiếu của Tiên hoàng. Khi triệu quần thần đến bàn việc mai táng Tiền Thái hậu, Đại học sĩ Bành Thời lập tức lên tiếng: ["Đại Hành Từ Ý Hoàng thái hậu hợp táng cùng Tiên Hoàng đế, cùng phụ thờ Thái miếu, đấy là sự tình đã định trước rồi, còn cần nghị luận gì nữa?"]. Hiến Tông gián đoạn hội nghị, hôm sau khi triệu quần thần, Bành Thời vẫn tiếp tục chủ trương như vậy khiến Hiến Tông khó xử, bèn nói: ["Khanh nói thế há Trẫm không biết sao? Nhưng nếu phụ táng Tiền Thái hậu cùng Hoàng khảo, thì tương lai Mẫu hậu của Trẫm biết táng ở đâu?"]. Đại học sĩ Bành Thời bất mãn trước thái độ cúi mình của Hiến Tông trước mẹ đẻ mà đang tâm phá hoại lễ nghi, bèn nói: ["Hoàng thượng phụng hiếu Lưỡng cung Thái hậu, sớm đã có tiếng Thánh đức. Mà muốn hoàn thành mỹ đức, ắt phải tuân thủ lễ nghi"]. Nội các đại thần Thượng Lộ (商辂) cũng nói: "Nếu không hợp táng Đại Hành Hoàng thái hậu vào Dụ lăng, thì về sau sẽ tổn hại thánh danh của hoàng thượng"]. Đại học sĩ Lưu Định Chi (刘定之) cũng góp lời: ["Đạo hiếu thuận quý ở đại nghĩa, mà không nghe theo cái nhất thời của thân thích"]. Đến lúc triều thần quá ép buộc, Hiến Tông bèn xuống nước: ["Yêu cầu của mẹ ruột không thể hoàn thành, liệu còn có thể xem là hiếu tử sao?"]. Bành Thời liền kiến nghị: ["Có thể táng Đại Hành Hoàng thái hậu bên trái Tiên đế, còn chỗ bên phải tương lai sẽ dành cho Hoàng thái hậu"].

Liền lập tức, các đại thần hơn 99 người, đứng đầu là Đại học sĩ Bành Thời liền thượng tấu về chuyện lăng miếu[9]. Lược viết bằng bạch thoại, đại ý như sau:

Thái tử Thái bảo, Hộ bộ Thượng thư kiêm Văn Uyên các Đại học sĩ Bành Thời, cùng các đại thần tấu:

Kính nghĩ Đại Hành Từ Ý Hoàng thái hậu, là hôn phối của Anh Tông Duệ Hoàng đế, chính vị Trung cung. Bệ hạ lên ngôi đã tôn làm Từ Ý Hoàng thái hậu, chiếu cáo cho cả thiên hạ. Tiên đế đã bảo toàn "phu phụ chi luân", bệ hạ nên dốc lòng thực thi "mẫu tử chi ái". Nay Tử cung đáng hợp táng Dụ lăng, thần chủ nên thăng phụ Thái miếu. Thế mà lại nghe việc hợp táng còn chần chừ, chúng thần cảm thấy thật hoài nghi xót xa. Trộm gọi Hoàng thượng chần chờ như vậy, tất muốn đương kim Hoàng thái hậu vạn thọ về sau, cùng Tiên đế đồng tôn, như vậy tức là không theo di chúc Tiên đế, không hợp quy chế Tổ tông.

Vốn rằng Lưỡng cung Hoàng thái hậu tại vị, cũng đều là không phải quy chế quốc triều. Chúng thần khảo với điển cổ từ xưa đến nay, tra trường hợp "Nhất Đế nhị Hậu" như thế nào chế tác lăng viên, thấy rằng quy tắc đích thứ vẫn nhất loạt bảo toàn. Chỉ như Hán Văn Đế tuy rằng tôn mẹ đẻ Bạc Thái hậu, mà Lữ Thái hậu tuy đắc tội tông miếu xã tắc, nhưng vẫn phụ táng Trường lăng cùng Cao Hoàng đế, như vậy Văn Đế có thụy Hiếu Văn, đứng đầu các Hoàng đế nhà Hán. Tống Nhân Tông truy tôn mẹ đẻ là Lý Thần phi, mà Lưu Thái hậu dưới gối không con vẫn phụ Thái miếu, có như vậy thì Nhân Tông mới có tiếng hiền quân, đứng đầu các Hoàng đế nhà Tống. Hoàng thượng quân lâm thiên hạ, khi xưa nhận ân dưỡng của Từ Ý Hoàng thái hậu, nay nên kính ngưỡng tiếc thương cho trọn vẹn. Về sau khi Hoàng thái hậu vạn thọ trôi qua, cùng Từ Ý Hoàng thái hậu đồng thăng phụ Thái miếu, như vậy chẳng có gì tổn hại. Vả chăng sinh thời hai vị Thái hậu đối lẫn nhau vẫn ôn hòa, thiên thu về sau cùng nhau lên thần chủ, đều là hợp tình hợp lý.

Sự việc hoàn thành, còn bảo toàn Thánh dự của Hoàng thượng vạn đại về sau, bảo lưu chữ Hiếu, không tranh tị hiềm. Nếu như việc lăng miếu không hợp, tức trái với mỹ tục, khiến thiên hạ chê bai. Chúng thần cẩn tấu.

— Tấu ngôn Văn Uyên các Đại học sĩ Bành Thời

Minh Hiến Tông khổ sở giãi bày: ["Các khanh lời nói đều có lý, nhưng các khanh cũng nên thương cảm trẫm. Trẫm nhiều lần đến mẫu hậu khuyên giải, nhưng mẫu hậu đều không thuận theo. Nếu không làm theo đại lễ thì trẫm bất hiếu, nếu không nghe theo mẫu hậu cũng là bất hiếu. Làm thế nào cho phải?"]. Công khanh đại thần đối với "sự hiếu đạo không có lập trường" của Hiến Tông mà bất mãn. Ngày hôm sau, Chiêm sự Kha Tiềm (柯潜), Chấp sự trung Ngụy Nguyên (魏元) cùng Lễ bộ thượng thư Diêu Quỳ (姚夔) lãnh đạo các đại thần, hơn 450 tấu sớ dâng lên yêu cầu hợp táng Tiền Thái hậu vào Dụ lăng. Chu Thái hậu biết tin này cực kỳ phẫn nộ. Đối với hành động trắng trợn quái ác của Chu Thái hậu, Chấp sự trung Ngụy Nguyên cùng đồng liêu hơn 39 người, Ngự sử Khang Doãn Thiều (康允韶) cùng đồng liêu hơn 41 người quyết định đòi lại công đạo cho Tiền Thái hậu, ngay khi hạ triều liền ở ngoài Văn Hoa điện quỳ khóc. Bắt đầu một chiến dịch đình công trong triều đình để buộc Chu Thái hậu đồng ý việc hợp táng của Tiền Thái hậu. Đó là tháng 6 âm lịch, trời Bắc Kinh nắng hạ, quần thần 99 người quỳ từ giờ Tỵ (tức 9 giờ đến 11 giờ buổi sáng) đến giờ Thân (tức khoảng 5 giờ chiều), khóc lóc thảm thiết bao trùm toàn bộ hậu cung. Chu Thái hậu nhiều lần bắt Hiến Tông buộc quần thần thoái lui, nhưng họ kiêng quyết: "Không có ý chỉ hợp táng Tiền Thái hậu thì không dám lui". Chu Thái hậu không ngờ một Tiền thị tàn phế lại có thể khiến các đại thần đồng lòng đòi công đạo, nên cảm thấy ức chế nhưng vẫn không còn cách nào khác gật đầu việc hợp táng của Tiền Thái hậu[10].

Tháng 7 năm đó, Minh Hiến Tông chính thức dâng thụy hiệu cho Tiền Thái hậu, là Hiếu Trang Hiến Mục Hoằng Huệ Hiển Nhân Cung Thiên Khâm Thánh Duệ hoàng hậu (孝莊獻穆弘惠顯仁恭天欽聖睿皇后). Tháng 9 năm đó, Tiền Thái hậu được hợp táng cùng Anh Tông Duệ hoàng đế, đưa vào địa lăng bên trái.